Trùng lai kỳ ngộ luân hồi là em
NHẬT KÝ
____________________
Ngày...Tháng...Năm...
Trời mưa. Công việc có đôi chút an nhàn. Tôi dạo chơi trên khung trời cyber tìm những tên gọi xưa thật thân quen, nhưng bây giờ đã không còn gặp nữa. Có đôi chút cảm hoài, dẫu biết rằng hợp tan tan hợp là chuyện đời thường. Tôi tự nghĩ: Những quen biết trên phố ảo đến và đi như động tác đóng-mở công tắc điện. Ấn chữ ON, điện có. Ấn chữ OFF, điện hết. Và phải chăng tôi đừng tiếc đừng thương, cứ xem như một mạch điện làm thành câu chữ, một mạch điện khác xóa đi. Tất cả chìm vào hư không. Ờ! Cứ nghĩ như thế cũng hay đấy. Lòng nhủ lòng như vậy, nhưng tôi lại cứ thấy mình vấn vương với sợi tơ trời, miên man trong gió đầy vơi chữ tình.
Chữ Tình! Có ai đó nói rằng đừng nên để tình cảm tràn vào tâm tưởng, đừng thật tâm thật lòng có ngày mang họa. Cứ phiên phiến ngọt nhạt thôi mới sống thọ trong cõi người ta, trong chốn gió tanh mưa máu của cuộc đời này. Lại cũng là một lời khuyên phải chăng vô giá đáng nạm vàng nạm ngọc? Không biết. Nhưng tôi vẫn cứ vấn vương với sợi tơ trời. Tâm chẳng bảo được lòng, hay lòng chẳng vâng phục tâm. Thôi thì hãy cứ yêu đời mà sống, và hãy cứ mang ơn ai trao tình một đời, là kỷ niệm dù không đầm ấm.
Xin đừng vội nghĩ tôi phải lòng ai hay ai phải lòng tôi trong cõi đời hư thực khó phân trên cõi ảo, một khung trời mà thế mạnh là những lời bình phẩm - chưa biết đúng hay sai - về thế sự thăng trầm, về bánh xe lịch sử xoay vần của đất nước. Đồng thời cũng là nơi dư đầy thị phi, trắng đen thực giả khôn lường. Rất nhiều khi người ta phải sống khác với lòng, phải nói những lời người ta biết rõ là xã giao là không đúng sự thật chỉ vì mục đích riêng, chỉ vì muốn lôi kéo người khác đứng về phía của mình.
Và xin nói luôn để những tâm hồn mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây không phải tư lự, không cần phải đề thơ-viết văn-dạo nhạc, rằng thì là: Nếu một giòng chữ của ai đó viết ra khiến lòng ta bổi hổi bồi hồi, khiến lòng ta cảm động, phải chăng chính là họ đã gieo mầm tình cảm cho ta? Giả dụ như trên cõi ảo này bất ngờ được xem chủ đề " Nhạc Giao Hưởng - Có Ai Khoái Không? " của Guadasigilli, rồi bỗng dưng biết là ...từ nay mãi mãi không thấy Guadasigilli nữa, có phải là ta chợt thấy lòng buồn rưng rức ta chợt thấy chữ Tình đau đớn hiện hay không?
Cũng như đọc chủ đề "La Traviata Và Tôi" của Minh Đức, thấy anh ấy mượn đô thành hoa lệ Paris làm bối cảnh cho giòng nhạc "La Traviata, " rồi lại mượn làn điệu sâu lắng u huyền này để thương và nhớ người bạn tri âm Guadasigilli, thế có phải là ta dù không muốn nghe tiếng thu cũng thấy lòng thổn thức, trước tình bằng hữu của anh ấy! Vậy có phải là ta đang hòa nhập vào chữ Tình, vào sự thương vay khóc mướn của hồn nhân thế hay không?
Cái sự vấn vương với sợi tơ trời của tôi là như thế đấy. Tôi có vấn vương vương vấn với những người muôn năm cũ của khung trời cyber này, cũng giống như lòng hoài cảm của anh Minh Đức gởi đến bạn hiền Guadasigilli, và cũng chỉ có vậy thôi.
Hình như có người lắng nghe và có vẻ nhận ra tôi. Xin chào người xưa.
***
Hoàng Nhất Phương
3:15am Chủ Nhật ngày 29 tháng 12 năm 2019
*. Từ "Nhật Ký" trong Hoàng Đình Thi Chương Phổ
Con là Hoàng Nữ khuê danh
Cảm ơn Cha đã sinh thành ra con
-hđnp-
___________________________
CHA TÔI
*.*.*.*.*.*.*.*.
Ngày tôi vừa có trí khôn cha nói với tôi rằng: “Những chữ đầu tiên con nên thường hằng ghi nhớ suốt đời, đó là những chữ nói về gia đình, thân tộc và đất nước. Gia đình thân tộc có Ông-Bà-Cha-Mẹ-Cô-Dì-Chú-Bác-Anh-Chị-Em, cần đùm bọc trong yêu thương và kính trọng. Đất nước có giang sơn cẩm tú cần trân quý, để không quên nguồn cội không quên nơi chôn nhau cắt rún của mình.”
Khi tôi hiểu được âm thanh thích để những ngón tay bé xíu dạo chơi trên phím dương cầm, người dạy tôi biết những nốt Do-Re-Mi-Fa-Sol-La-Si cũng là cha. Lúc tôi phân biệt được bảy sắc màu huỳnh quang đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím, người giúp tôi dùng cây cọ vẽ cỏ màu xanh, mặt trăng màu vàng, mặt trời màu đỏ, mây màu trắng chính là cha. Người khai tâm, hình thành nhân sinh quan thiện hảo trong trái tim non nớt của tôi bằng bài học đạo đức đầu đời: “Thương người như thể thương thân,” không ai khác cũng chính là cha.
Tôi lớn khôn. Cảm quan và nhận thức gắn chặt với những ý niệm học được từ cuộc đời lịch lãm khoáng đạt, từ kinh nghiệm sống phong phú đầy tròn, từ kiến văn bất tận của cha còn ghi lại trong “Ngọc Ký Hoàng Đình,” quyển gia phả do chính cha tôi viết.
Ý niệm gia tộc muôn đời hệ trọng, khởi từ câu ca dao đậm đà tình cha lòng mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Ý niệm thấm đậm nghĩa tình của anh chị em cùng chung huyết thống, được tìm thấy nơi những câu tục ngữ thân quen: "Anh em như thể tay chân,” “máu chảy ruột mềm,” “chị ngã em nâng."
Ý niệm tình yêu thủy chung bàng bạc trong câu thơ Kiều lả lướt:
“Rằng trăm năm cũng là đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.”
Ý niệm bất khuất ẩn chứa trong câu văn cổ, nói lên bản tính can trường của những ai sống làm người đúng nghĩa:
“Phú quí bất năng dâm
Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất.”
Từ đó trên bệ phóng tình yêu bất tận của gia đình, tôi vào đời xây dựng tâm tánh riêng theo như những điều đã nhìn thấy trong nhân cách tuyệt vời của cha. Thật bao dung, nhưng không nhu nhược. Thật thành tín, nhưng không cả nể. Thật độ lượng, nhưng không khoan nhượng. Thật hiếu hòa, nhưng quyết không để bất cứ ai làm áp lực với mình. Sống như vậy không dễ. Vì cuộc đời tựa biển phong ba đầy sóng to gió lớn. Ngưòi ta rất nhiều khi không thể đứng vững trên công lý, trên sự thật, trên lòng tự trọng của bản thân. Những lúc gần như bị xô đẩy vào thân phận cùng khốn của kiếp người, tôi ngỡ tôi sửa soạn đánh mất chính tôi. Những lúc ấy hình ảnh cha hiện về trong trí tưởng: Khuôn mặt cương nghị. Nụ cười thân ái. Tia nhìn bao dung. Ngay cả khi bị giam cầm bị ngược đãi trong nhà tù cộng sản khắc nghiệt, tôi tin rằng phong thái đĩnh đạc thư an bất khuất của cha tôi không thay đổi. Tôi có thể mạnh mẽ đứng lên sau mỗi lần ngã xuống trước giông tố của cuộc đời, chính là nhờ hình ảnh và bản tánh kiên định can trường của cha tôi.
Như biết bao người cha chọn Võ Bị là phận nghiệp, theo vận nước điêu linh của ngày ba mươi tháng tư năm một-chín-bảy-năm, cha tôi đã phải vào tù. Nhưng ông mãi mãi bị giam cầm hay đã chết oan khuất - một điều cho đến nay gia đình tôi vẫn không thể nào biết. Mẹ và anh chị em tôi chỉ đành xem như cha đã xuôi miền vĩnh phúc.
Cho dẫu kết thúc cuộc đời dưới bất cứ hình thức đau đớn thống khổ như thế nào đi nữa, thì cha tôi - người đàn ông sinh trưởng ở Đại La Thành, miền đất thuở xưa lừng danh văn học, lừng danh hào khí sĩ phu Bắc Hà - mãi mãi được binh sĩ và thuộc cấp kính nể, vì ông đã sống đúng với châm ngôn của trường mẹ “TỰ THẮNG ĐỂ CHỈ HUY,” vì ông đã sống đúng tư cách của một danh tướng, vì ông đã sống đúng lời thề của Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị thuở xưa. Khi bắn mũi tên tang bồng hồ thỉ thể hiện chí tung hoành ngang dọc của nam nhi, có nghĩa là cha tôi đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, có nghĩa là cha tôi chọn dùng cuộc đời để gìn giữ tự do, công lý, sự thật, và lòng tự trọng.
Mỗi khi phải đối diện với thủ đoạn và dã tâm của người đời, mỗi khi phải nhìn thấy những điều tệ hại, tráo trở, bạc ác, trong trần gian điên loạn này, tôi hoảng hốt sợ hãi và đau đớn. Để rồi sau đó tôi tự hỏi: Mang trong người giòng máu uy hùng của cha, lẽ nào tôi không thể tự thắng những nghịch cảnh có trong đời, lẽ nào tôi không thể làm người công chính, lẽ nào tôi không thể tận diệt cái ác cái xấu, sự bất công vô lý nhan nhãn phơi bày trong xã hội ngày nay?
Và câu trả lời của tôi - như mũi tên tang bồng hồ thỉ cha tôi từng bắn thuở xưa - rời khỏi vòng cung, xé tan biển đời phong ba đầy sóng to gió lớn, tiến thẳng vào hồng tâm điểm của tự do, công lý, sự thật, và lòng tự trọng. Cha tôi không còn nữa nhưng nhân cách tuyệt vời của ông là lá chắn hoàn hảo, để tôi mạnh mẽ lớn khôn trong niềm tin Chân-Thiện-Mỹ vẫn trường tồn vĩnh cửu, giữa cõi đời đầy bất ngờ nhiều biến động này.
Mỗi năm cuộc đời dành riêng một ngày nhớ công sinh thành của mẹ, một ngày nhớ công dưỡng dục của cha, để người con chí hiếu nói lên tình yêu của mình đối với song thân. Đứng trước cảnh nhà sum họp của những ai hạnh phúc có cha có mẹ, tôi lặng nghe nước mắt chảy ngược vào lòng.
Cha tôi, như mũi tên tang bồng hồ thỉ, đã đi đến cùng đích của mộng đời bất tận. Tôi, đứa bé sớm mồ côi cha, giờ lớn khôn phiêu bồng đất khách. Xin thắp nén hương lòng gởi vào ngàn thu trong giòng lệ. Nguyện suốt đời làm người công chính, để đền ơn dưỡng dục của cha hiền.
***
Hoàng Nhất Phương
2am Thứ Hai ngày 14 tháng 06 năm 2004
Từ Hoàng Đình Thi Chương Phổ.
Trùng lai kỳ ngộ luân hồi là em