Better a small serving of vegetables with love
than a fatten calf with hatred.
Proverbs 15:17
ist mit
und 36 weiteren Personen unterwegs.
25 Min. ·
THƯ KÊU GỌI THẢ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM
Kính gởi: Các Vị Lãnh Đạo Nhà nước Việt Nam
Trước trận đại dịch Covid-19 ngày càng bùng phát, chúng tôi, những người thân của các tù nhân lương tâm (TNLT) kêu gọi các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam hãy thả ngay các TNLT để tránh tai họa lây nhiễm virút corona.
Vì đại dịch mà suốt mấy tháng qua chúng tôi không được thăm nuôi cũng như không được gặp định kỳ người thân của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng lo lắng vì hầu hết các TNLT đều có sức khỏe kém do sống trong điều kiện giam giữ nên sức đề kháng rất yếu. Hơn thế nữa, nhiều anh chị em đang mang bệnh nặng trong người. Và trong môi trường giam giữ tập trung, khả năng bùng phát lây nhiễm Covid-19 sẽ rất cao.
Chính vì lý do đó mà nhiều tổ chức nhân quyền như Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ), Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF), Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD), Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, v.v. đã lên tiếng kêu gọi các nước hãy thả ngay những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội.
Chúng tôi có thể khẳng định rằng các TNLT Việt Nam là những người ôn hòa chỉ mong muốn xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn. Khi được trả về với gia đình, các người thân của chúng tôi chắc chắn không là mối nguy hiểm cho bất cứ ai, mà ngược lại, còn đóng góp nhiều mặt hữu ích cho xã hội.
Sau hết, nếu chẳng may trong cơn dịch này các TNLT có mệnh hề gì vì lây nhiễm Covid-19 trong tù, thì uy tín của Chính phủ Việt Nam nói chung và của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng, chắc chắn sẽ bị xuống cấp trầm trọng trong mắt thế giới.
Vì lợi ích thiết thực của mọi phía và vì sinh mạng của các TNLT, những con người hết lòng vì đất nước và dân tộc, chúng tôi trân trọng kêu gọi các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam hãy lấy một quyết định hợp lý lẽ, hợp lòng người. Đó là thả ngay tất cả mọi Tù Nhân Lương Tâm.
Đồng ký tên:
Tính đến ngày 14 tháng 4 năm 2020
1. Lê Đính Kim Thoa - Vợ của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức. Số đ/t: +84 90 875 21 16
2. Bùi Thị Hồng Loan - Vợ của TNLT Phạm Chí Dũng. Số đ/t: +84 8 3569 6099
3. Nguyễn Thị Quý - Vợ của TNLT Lê Đình Lượng. Số đ/t: 035 6688251
4. Nguyễn Thị Huệ và Huỳnh Đức Thịnh - Mẹ và Cha của TNLT Huỳnh Đức Thanh Bình. Số đ/t: 0903787908
5. Nguyễn Thị Lành - Vợ của TNLT Nguyễn Trung Tôn. Số đ/t: 0344 373581
6. Nguyễn Thị Huyền Trang - Vợ của TNLT Phạm Văn Trội. Số đ/t: 083 954 2730
7. Trần Thanh Thủy - Vợ của TNLT Lê Quý Lộc. Số đ/t: 0931 25 2281
8. Phan Thị Trang - Em gái của TNLT Phan Kim Khánh. Số đ/t: 098 235 4420
9. Trần Thị An - Vợ của TNLT Lê Thanh Tùng. Số đ/t: 035 483 2029
10. Hoàng Đức Nguyên - Em trai của TNLT Hoàng Đức Bình. Số đ/t: 0972668951
11. Nguyễn Thị Huệ - Chị của TNLT Nguyễn Văn Hoá. Số đ/t: 094 157 9375
12. Dạ Trần Quyết Tiến - Anh của TNLT Trần Thị Xuân. Số đ/t: 0911096739
13. Nguyễn Quang Trung - Con trai của TNLT Nguyễn Trung Trực, Số đ/t: 033 974 9695
14. Nguyễn Thị Kim Thanh - Vợ của TNLT Trương Minh Đức. Số đ/t: 0946 440 637
15. Nguyễn Thị Sen - Mẹ của TNLT Hồ Anh Tuấn. Số đ/t: 038 762 0962
16. Đinh Thị Xa - Vợ của TNLT Đinh Diêm. Số đ/t 090 119 7914
17. Bùi Thị Rề - Vợ của TNLT Nguyễn Văn Túc. Số đ/t: 083 433 5667
18. Nguyễn Kim Hoa - Mẹ của TNLT Võ Hoàng Ngọc. Số đ/t: 093 1133 521
19. Lê Thị Khanh - Vợ của TNLT Trần Thanh Phương. Số đ/t: 0908710428
20. Huỳnh Thị Út - Mẹ của TNLT Trần Hoàng Phúc. Số đ/t: 0898154372
21. Nguyễn Thị Châu - Vợ của TNLT Nguyễn Ngoc Ánh. Số đ/t: 036 565 8712
22. Huỳnh Thị Kim Nga - Vợ của TNLT Ngô Văn Dũng. Số đ/t: 0914808775
23. Đoàn Thị Khánh - Chị của TNLT Đoàn Thị Hồng. Số đ/t: 0813354335
24. Lê Thị Thập - Vợ của TNLT Lưu Văn Vịnh. Số đ/t: 0832880778
25. Đỗ Thị Bé - Vợ của TNLT Hồ Đình Cương. Số đ/t: Sđt: 0989514214
26. Trần Nữ Long Duyên - Vợ của TNLT Lê Văn Phương. Số đ/t: 0363830179
27. Thị Hanh - Mẹ của TNLT Từ Công Nghĩa. Số đ/t: 0387419987
28. Nguyễn Thị Lâm - Em gái TNLT Nguyễn Quốc Hoàn. Số đ/t: 0917358579
29. Hồ Thị Châu - Vợ của TNLT Nguyễn Văn Oai. Số đ/t: 0986359617
30. Nguyễn Thị Tình - Vợ TNLT Nguyễn Năng Tĩnh. Số đ/t: 0988119279
31. Lê Thị Bình - Em gái TNLT Lê Minh Thể. Số đ/t: 0937624877
32. Hồ Văn Lực - Em trai của TNLT Hồ Đức Hoà. Số đ/t: 097 9385724
33. Nguyễn Đình Khôi - Anh của TNLT Nguyễn Đình Khuê. Số đ/t 09030 77990
(Danh sách sẽ được tiếp tục bổ xung. Bà con nào muốn tham gia ký tên cho người thân TNLT của mình, xin gởi các chi tiết như trên về địa chỉ email: TNLT2020Covid@gmail.com)
Xin giới thiệu bài xuất sắc của TS Dương Ngọc Dũng
Đọc người xưa mà có thể luận về ngày nay, cứ như có 1 vòng xoáy trôn ốc vậy!
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ TRONG HỐ ĐEN NHẬN THỨC CUỐI THẾ KỈ 19
DƯƠNG NGỌC DŨNG·THỨ BẢY, 25 THÁNG 4, 2020·THỜI GIAN ĐỌC: 42 PHÚT
Phan Bội Châu đã liệt kê những nhà tư tưởng Việt Nam có xu hướng canh tân vào những năm giữa thế kỉ 19 như sau: Đặng Huy Trứ và Nguyễn Lộ Trạch (Thừa Thiên), Nguyễn Đức Thuấn (Quảng Ngãi), và Nguyễn Trường Tộ (Nghệ An).[1]Điều đáng ngạc nhiên là mỗi khi nhắc đến những trí thức có tư tưởng canh tân vào thời Tự Đức, hầu như mọi người chỉ nhớ và chỉ nhắc đến tên Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) hay Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), còn Đặng Huy Trứ (1825-1874), Phạm Phú Thứ (1821-1882), hay Bùi Viện (1841-1878), hầu như rất ít người nhắc đến. Đặng Huy Trứ sống gần như đồng thời với Nguyễn Trường Tộ và có những quan điểm hết sức tương đồng với nhà cải cách Công Giáo xứ Nghệ. Thậm chí hình như cả hai ông đều không biết gì đến nhau. Ví dụ Đặng Huy Trứ nhấn mạnh vai trò của kinh tế trong việc phú quốc cường binh: “Làm ra của cải, cái đạo lí lớn ấy là việc không thể coi nhẹ được.”[2]Những đề nghị của ông chẳng khác gì đề nghị của Nguyễn Trường Tộ. Một nho sĩ khác của thời Tự Đức, Vũ Duy Thanh (1811-1863), cũng chủ trương đưa ra các cải cách về phòng vệ quốc gia, rõ ràng đi theo xu hướng duy tân, nhưng vẫn không được triều đình lưu ý tới.[3] Bản thân Phan Bội Châu cũng quên không nhắc đến Đinh Văn Điền, tín đồ đạo Công Giáo cũng sống dưới triều Tự Đức, không rõ năm sinh, năm mất, quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khoảng cuối năm 1868, Đinh Văn Điền dâng sớ mật gửi vua Tự Đức, đề nghị một số việc làm ích quốc lợi dân: đặt Nha doanh điền, tổ chức khai hoang; lập Ty bình chuẩn lưu thông hàng hoá, khai mỏ vàng, đóng tàu thuỷ; nhờ người phương Tây và người Anh giúp đỡ chống Pháp; cho tự do dạy và học binh thư, binh pháp; tăng lương và hậu đãi quân lính; giảm sưu thuế cho dân; thi hành cứu tế xã hội.[4]
Những nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ,[5] từ Nguyễn Lân (1942), đến Chương Thâu, Đặng Huy Vạn (1961), cho đến Trương Bá Cần (1963),[6]Hoàng Thanh Đạm (2001) và những cuộc tranh luận về việc đánh giá nhân vật Nguyễn Trường Tộ từ cuộc hội thảo đầu tiên tại Hà Nội (1961) cho đến cuộc hội thảo năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh đều xoay quanh những chủ đề chính:
1- Đề cao Nguyễn Trường Tộ là nhà tư tưởng độc đáo, phê phán kịch liệt Tự Đức và toàn bộ triều đại hủ lậu bảo thủ của ông vua nhu nhược này.
2- Phê phán Nguyễn Trường Tộ không biết dựa vào nhân dân là chính mà vẫn còn mù quáng tin tưởng vào đám vua quan ngu muội hết thời. Sự phê phán này vẫn đánh giá cao Nguyễn Trường Tộ về nhiều điểm khác (yêu nước chân chính và có thành tâm đóng góp vào việc phát triển đất nước).
3- Gần đây nhất là sự tố cáo (chứ không phê phán) Nguyễn Trường Tộ là gián điệp của Pháp, không thể là đối tượng của sự ca ngợi hay sùng bái. Tài năng của Nguyễn Trường Tộ, nếu có, chỉ nhằm phục vụ cho thực dân Pháp, như Trương Vĩnh Ký hay Phạm Quỳnh.
4- Về mặt tài liệu và phương pháp luận, những bài viết hay nghiên cứu sau này vẫn nương dựa chính vào các luận điểm của Chương Thâu, Đặng Huy Vạn, Trương Bá Cần, Hoàng Thanh Đạm, nói chung là các chuyên gia hàng đầu về Nguyễn Trường Tộ, không có thêm kiến giải gì mới, ngoại trừ quan điểm của Trần Chung Ngọc và Bùi Kha thuộc nhóm Giao Điểm (Hoa Kì).[7]
Tôi cho rằng nhìn từ góc độ nghiên cứu nếu quá tập trung vào bản thân Nguyễn Trường Tộ hay Tự Đức sẽ khó lòng giúp những học giả có một cái nhìn lịch sử mang tính tổng thể. Thành công hay thất bại của Nguyễn Trường Tộ và những người khác giống như ông phải được khảo sát trong bối cảnh dịch chuyển chung của mối quan hệ giữa chính trị quyền lực và những yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội. Không những thế, do chưa bao giờ có một xã hội nào thực sự tồn tại trong sự cô lập nên sự biến động về mặt tư tưởng của giới nho sĩ Việt Nam cuối thế kỉ 19 cũng cần được nghiên cứu trong mối quan hệ biến đổi chung của Trung Quốc, Nhật Bản, và Triều Tiên là những quốc gia có những khủng hoảng tương tự. Những Nho sĩ chánh tông như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Vũ Duy Thanh, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Phan Bội Châu, trong những mức độ khác nhau, đều có những quan điểm tương tự như Nguyễn Trường Tộ. Những thập niên cuối cùng của thế kỉ 19 chúng ta thấy rõ một sự chuyển dịch về hệ hình nhận thức chuẩn mực (paradigm shift), nếu dùng thuật ngữ của Thomas Kuhn, trong cơ cấu nhận thức-xã hội Việt nói riêng và toàn cõi Đông Á nói chung, bắt nguồn từ sự bành trướng của văn minh phương Tây, sự tan rã dần hệ tư tưởng Nho giáo truyền thống, và sự thành công hết sức kì diệu của Nhật Bản sau Minh Trị Duy Tân (1868). Cao Bá Quát (sinh khoảng năm 1809), một tinh thần phản kháng toàn bộ xã hội thời Tự Đức, chỉ cần sau một chuyến đi hiệu lực sang Tân Gia Ba (Singapore), cũng ý thức triệt để như Nguyễn Trường Tộ, người ra đời sau ông rất lâu, sự bế tắc của hệ thống giáo dục theo kiểu truyền thống:
Đáng phàn nàn cho ta chỉ biết đóng cửa mà gọt giũa câu văn
Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ
Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời
Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn
Mới cảm thấy vũ trụ là bao la
Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con
Trong thế gian này ai thực là bậc tài trai
Lại phí cả cuộc đời cho những pho sách cũ?
(Nguyên tác:
Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự
Hữu như xích hoạch lượng thiên địa
Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn
Thủy giáp lục hợp hà mang mang
Hướng tích văn chương đẳng nhi hý
Thế gian thùy thị chân nam tử
Uổng cá bình sinh độc thư sử
Đề sát viện Bùi Công Yên Đài Anh ngữ khúc hậu)[8]
Nguyễn Trường Tộ hoàn toàn không phải là một trường hợp ngoại lệ trong sự dịch chuyển nhận thức chung đối với nhiều nho sĩ thức thời khác. May mắn (hay bất hạnh) cho ông là ông có cơ hội tiếp cận với một hệ hình tư duy chuẩn mực khác hẳn với hệ hình tư duy truyền thống: Thiên Chúa Giáo. Cũng chính hệ hình tư duy Thiên Chúa Giáo đã góp phần gián tiếp tạo ra một phong cách tư duy mới đối trọng với hệ tư duy Nho Giáo tại Nhật Bản (thời Tokugawa) và Triều Tiên (thời Choson). Có thể nói, không phải chỉ riêng tại Việt Nam, mà ở Châu Á nói chung, hệ tư tưởng Nho Giáo đang thở những hơi thở cuối cùng của nó. Vào đầu thế kỉ 20, tại Châu Á, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa tư bản, Thiên Chúa Giáo, là ba mô hình tư duy mạnh mẽ nhất cạnh tranh quyết liệt với nhau để thay thế cho Nho Giáo. Trần Đình Hượu có những nhận xét thú vị về tác hại của Nho Giáo: “Thời Tự Đức là thế. Trước Tự Đức, Minh Mạng đã biết sức mạnh kỹ thuật của phương Tây và âm mưu xâm lược của thực dân và lo đối phó. Thế nhưng mất ba bốn mươi năm bàn cãi đạo lý, nghe các đề án cải cách, cái thì chê vô lí, cái thì chê cao quá, cái thì chê tốn quá, cái thì lo không hợp với cha ông, cái thì sợ dao động bất an. Cuối cùng không dám quyết đoán một cái gì cả. Triều đình Tự Đức rất nho, quá nhiều nhà nho […] Nó không phải hỏng vì các nhà nho thiếu tinh thần chăm lo việc nước hay ít đạo đức hơn trước mà nguy hại vì họ quá đạo đức[chúng tôi nhấn mạnh] theo kiểu nhà nho và làm một chức năng hoàn toàn không phù hợp: cầm quyền cai trị một nhà nước.”[9] Trái ngược với quan điểm của nhiều học giả, Trần Đình Hượu đã khẳng định từ trong bản chất (per se) Nho Giáo không thể làm tròn cái nhiệm vụ mà giai cấp thống trị áp đặt cho nó. Nói cách khác, cho dù triều đình Tự Đức có mời các nho sĩ có tâm huyết như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Vũ Kiệt, hay Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu về chấp chính và thực hiện những cuộc cải cách- nếu vẫn vướng trong cái vòng kim cô Nho Giáo- thì cũng chẳng thể cứu vớt cái xã hội đang chìm đắm, tan vỡ từng mảnh như con tàu mục nát trước làn sóng mãnh liệt của thời đại đang đòi hỏi sự thay đổi triệt để. Từ cái nhìn của vị giáo sư họ Trần, chủ nghĩa Mác là sự lựa chọn duy nhất để thay thế cho Nho Giáo trong sự chuyển biến lịch sử này. Hãy so sánh câu nhận xét trên của Trần Đình Hượu với sự đánh giá của Chu Thiên đối với triều đại “Nho hóa” toàn diện của Lê Thánh Tông: “Triều đại Quang Thuận Hồng Đức quả là một triều đại sùng Nho, trọng học một cách rộng rãi, cho nên mới có một nền văn trị rực rỡ nhất trong lịch sử nước nhà…nền văn trị đã thịnh, tinh thần khí tiết cũng lên cao, những bậc khoa danh biết lấy nghĩa vụ làm trọng, liêm tiết làm cao, gặp việc nghĩa, xem cái chết nhẹ như lông hồng.”[10] Vậy thì Nho Giáo có “công” hay có “tội” trong thời đại Lê Thánh Tông? Câu trả lời an toàn có thể là Nho Giáo có “công” trong thời đại Lê Thánh Tông, như Chu Thiên đã ca tụng, nhưng có “tội” trong thời Tự Đức, như Trần Đình Hượu đã phê phán. Điều cần lưu ý là những câu trả lời “an toàn” chưa hẳn đã có cơ sở nghiên cứu, khoa học.
Sự chuyển biến triệt để này trong hệ hình nhận thức chuẩn mực vốn dựa trên triết lý Nho Giáo đã manh nha với những cuộc cải cách ngắn ngủi của Hồ Quý Ly (1400-1407) đến Lê Quý Đôn- mà sự phê phán có thể thấy rõ trong Kiến văn tiểu lục- kéo dài cho đến Nguyễn Trường Tộ. Hệ thống Nho Giáo này- thực ra chỉ là một thứ Nho Giáo bị chính trị hóa biến thành một thứ công cụ mang tính che đậy cho tham vọng quyền lực của giai cấp thống trị- chỉ có một chức năng duy nhất: hình thành một tầng lớp quan lại có thể đảm đương công tác quản lí đất nước sao cho guồng máy thống trị có thể vận hành trơn tru, có hiệu quả, trong khi nhìn từ góc độ của Nho Giáo nguyên thủy, mục tiêu của việc học là cải thiện đời sống của nhân dân, đem lại thái bình cho trăm họ, như chính Minh Mạng cũng nhận thức rõ: “Phàm giữ chức đi chăn dắt dân, phải yêu dân trước hết, phải phân biệt kẻ thiện, người ác, chính sự công bằng, xử kiện hợp lẽ, kẻ lại mục xứng với chức phận thì dân yên.”[11]
Trong số các di cảo của Nguyễn Trường Tộ có một bài ông viết có cái tựa rất rõ là “Về cái học thực dụng”.[12]Dĩ nhiên tư tưởng thực học chan hòa toàn bộ các tác phẩm của ông nhưng chỉ cần đọc một bài này chúng ta cũng thấy được phần cốt lõi trong tư tưởng của ông. Trong Tế cấp bát điều (điều thứ 4) Nguyễn Trường Tộ lên án gay gắt lối học từ chương khoa cử dưới triều Nguyễn: “Ngày nay lúc nhỏ thì học văn , từ, thơ, phú, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị , phong tục tận bên Tàu (mà nay học đã sửa đổi khác hết rồi) lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý thiên văn,chính trị, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn [ …] Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy [ …] Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái đản, không thể hiểu nổi.”Lối học này được Huỳnh Thúc Kháng mệnh danh- một cách sai lầm- là “lối học Tống Nho”: “Thế cho nên sách Ngự định kia là sách gì? Sách Tánh lý đại toàn là sách gì? Không phải là thứ sách vẽ rồng chạm rắn trên đám sách sót của thánh hiền còn đó hay sao? Thế mà cái tay độc ác của quân Minh đã đem cái học Tống nho làm khuôn kiểu để đè nén tư tưởng người Tàu còn chưa lấy làm đủ lại còn đem cái giống yêu nghiệt ấy truyền sang xứ ta để nhốt học giới xứ ta vào cái rọ chật hẹp đê hèn ấy” (Lối học Tống Nho, Tiếng Dân 1931).[13]
Thật ra, Nguyễn Trường Tộ không hề cô đơn trong tư tưởng như nhiều bài viết đã cố tình nhấn mạnh. Ngay trong dòng phát triển (hay không phát triển) của văn hóa Việt, ông không phải là người duy nhất, cũng không phải người đầu tiên, phản đối và phê phán lối giáo dục phi thực tế của hệ thống đào tạo nhân tài của đất nước. Lê Thánh Tông, vị vua tiêu biểu cho Nho Học Việt Nam, cũng đã làm một bài thơ với tựa đề Thực họcvới nội dung yêu cầu các sĩ tử phải chú trọng đến việc áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
Tâm chính gia tề nhất quán chi
Thù phi trùng triện đấu thần kỳ
Vị nhân vị kỷ nghi tiền biện
Hy thánh hy hiền vụ trí tri
Khổng Mạnh văn chương thùy hậu thế
Y Chu sự nghiệp tá minh thì
Sĩ phong đôn thượng chân nho xuất
Dực ngã hi triều đại hữu vi
(Dịch nghĩa:
Cái đạo tu thân tề gia chính là cái đạo nhất quán của Khổng Tử.
Chớ có tập trung vẽ vời nhố nhăng chỉ để khoe tài.
Trước hết nên phân biệt cho rõ cái học vì bản thân mình (tu dưỡng đạo đức) chứ không phải để khoe khoang với người khác.
Nếu muốn thành thánh hiền thì phải học cho đến nơi đến chốn.
Kinh điển Nho Gia còn đó truyền lại cho hậu thế.
Sự nghiệp Y Doãn Chu Công giúp phát huy cả một thời đại.
Phải biết nâng cao tác phong sĩ khí để có được bậc chân nho.
Giúp cho triều đại ta làm những việc lớn lao).[14]
Lê Thánh Tông trong khoa thi đình năm 1472 khi đặt câu hỏi cho về thực trạng nhân tài của đất nước cũng đã thẳng thắn phê bình: “Chư sinh bác cổ thông kim, tất có định luận, nhưng không theo cổ không đủ để ngày nay thực thi, chỉ câu nệ theo cổ mà ngày nay không thông hiểu, cũng không đủ để thịnh trị.”[15] Nhìn lại lịch sử tư tưởng Việt Nam, chúng ta có thể ngạc nhiên khi nhận ra chính Lê Thánh Tông, một Nho gia thuần túy, trong kỳ thi Đình năm1472, đã xác nhận nguyên nhân của tình trạng nhiễu nhương trong xã hội chính là do những bậc “đại khoa” vẫn chưa thực sự thấm nhuần tinh thần triết lý của cổ học, chính họ học cổ còn chưa đến nơi đến chốn thì làm sao có thể mang ra ứng dụng vào việc phụng sự xã hội. Câu trả lời vua Lê Thánh Tông trong bài văn đình đối của trạng nguyên Vũ Kiệt hoàn toàn có thể là một mô tả gần như chính xác cho lối học hiện nay trong xã hội Việt Nam: “Sự luyện tập theo Trình Chu của họ, chẳng qua chỉ là sự khéo léo đẽo gọt, hòm án chất đầy sách, phần nhiều chỉ vào tình trạng lướt gió theo mây. Cha anh lấy thế mà dạy bảo, đệ tử cứ thế mà học theo.”[16]Sự phê phán của Vũ Kiệt có khác gì nhận xét đầy phẫn nộ của Nguyễn Trường Tộ và sự bàng hoàng trong nhận thức của Cao Bá Quát khi phát hiện cả đời những kẻ đi học chỉ biết tự giam mình trong những “pho sách cũ.”
Những Nho sĩ cả đời sống trong hệ thống giáo dục ấy như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, ai cũng nhận ra những tồn tại nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục truyền thống vốn đặt nền tảng trên việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hơn là khảo sát các định luật của thế giới tự nhiên. Ngay cả vua Tự Đức, người phải nhận biết bao sự phẫn nộ của giới sử gia về tinh thần bảo thủ, lạc hậu, cũng không phải hoàn toàn u mê lạc lối về vấn đề này. Năm 1866 Tự Đức phái Nguyễn Trường Tộ cùng với Hồ Văn Long đi từ Quảng Bình trở ra Bắc, đến địa phận núi Hải Dương để tìm kiếm than mỏ.[17] Cũng trong năm 1866 (tháng 8) vua sai Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều cùng với giám mục Hậu (Gauthier) sang Pháp thuê thợ và mua máy móc.[18] Cả triều đình của Tự Đức không phải ai cũng chống đối Nguyễn Trường Tộ. Ít ra thì cũng có Trần Tiễn Thành, vị Thượng thư bộ Binh, người cũng rất trân trọng những ý kiến canh tân của họ Nguyễn. Nguyễn Tri Phương tuy rất chống đối Thiên Chúa Giáo, bản thân cũng không học hành cao, nhưng cũng biết đánh giá đúng đắn những việc làm của họ Nguyễn. Vì vậy mà các tác giả của Đại Nam Thực Lục cũng dành ba chổ trong bộ sử khổng lồ của họ để nhắc đến việc làm của Nguyễn Trường Tộ.[19]Thái độ của Tự Đức như được phản ánh, mặc dù hết sức khiêm tốn, trong bộ chính sử quan trọng nhất của triều Nguyễn này, cũng cho chúng ta thấy rõ nhà vua cũng có một mức độ tin tưởng nhất định đối với các tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ bất chấp sự nghi ngờ sâu sắc của ông đối với Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo gắn liền với sự xuất hiện của người Pháp.[20] Và ngược lại, trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, ngay cả của Phan Bội Châu sau này, vẫn tồn tại những yếu tố không được cách mạng cho lắm. Phạm Huy Thông vạch ra yếu tố bảo thủ trong tư tưởng Nguyễn Trường Tộ: “Về vai trò của vua quan , ông cũng đề cao quá mức thành duy tâm khi nhận định rằng: “Người xưa có nói, dân là gốc của nước. Nói như vậy cũng chưa đúng. Tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh giành nhau làm trưởng, giành giật lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước có vua bạo ngược vẫn hơn không có vua” (18). Chỗ này Nguyễn Trường Tộ đã nhầm lẫn, chính chức năng cai trị xã hội của vua quan cũng do nhân dân giao phó cho họ. Từ lập luận trên, ông cũng phản đối sự thay đổi trật tự xã hội hiện hành mà muốn duy trì lâu dài ngôi vua, “một họ cầm quyền, đời đời truyền nối”. Rõ ràng, lòng trung quân của ông đã đưa ông đến những kết luận đi ngược với sự phát triển của xã hội.”[21] Lê Thị Lan bênh vực cho thái độ này của Nguyễn Trường Tộ với lập luận như sau: “Trong tình hình bị vua quan nghi ngờ về long trung thành (bởi lẽ ông là một giáo dân và đã một lần ra cộng tác với Pháp) ông buộc phải đề cao họ.”[22] Tôi cho rằng tuyệt đối hóa tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, xem đó là những ý tưởng thiên tài chưa từng có trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, trong trạng thái đối lập với triều đình Tự Đức như là một biểu tượng của tất cả những gì ngu dốt và lạc hậu, là một mô hình tư duy cần được xóa bỏ trong giới nghiên cứu. Vĩnh Sính đã chỉ ra điểm khác biệt giữa Nguyễn Trường Tộ và những người cùng thời: “[…] ông có thể nhìn, đánh giá, và tìm cách giải quyết vấn đề một cách năng động hiểm họa mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới, tình hình chính trị ở Pháp, mâu thuẫn chính trị giữa Pháp và các nước Tây phương khác, xác định đâu là “đại thế” và xu hướng văn minh trên thế giới bấy giờ, để cuối cùng đưa ra chủ trương hòa hay chiến tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.”[23] Theo tôi, đây là một quan điểm thỏa đáng khi đánh giá Nguyễn Trường Tộ. Chắc chắn không nhà nghiên cứu nào phản đối ý kiến cho rằng những tư tưởng vượt thời đại của ông phần lớn bắt nguồn từ việc ông có cơ hội nhiều hơn các Nho giả khác trong việc tiếp xúc và nghiên cứu trực tiếp học thuật của nền văn minh phương Tây.
Những lời phê phán đối với hệ thống đào tạo nhân tài truyền thống từ Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn, Vũ Kiệt, Lê Thánh Tông cho đến Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu, đều không dám đụng chạm đến căn nguyên sâu xa nhất của mọi vấn đề, cơ cấu quyền lực đang ẩn nấp đàng sau hệ tư tưởng Nho Giáo. Chính họ, một phần nào, với tài năng lỗi lạc của mình, đã góp phần củng cố chính cái hệ thống, chính cái cơ cấu ấy. Sự phê phán chính trị một cách mơ hồ- kiểu nói xa xa không trực tiếp- vốn bắt rễ từ trong chính thái độ của ông tổ Nho Giáo, Khổng Tử. Các bậc “chân nho” như hi vọng của Lê Thánh Tông nếu đúng là “chân nho” thì họ sẽ không bao giờ chọn phương pháp đối đầu trực tiếp với hệ thống quyền lực hiện hành. Rất hiếm khi trong văn học Việt Namchúng ta đọc thấy những vần thơ chua chát như mấy câu thơ dưới đây của Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), một đồng hương của Nguyễn Trường Tộ (quê ông thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An):
Thử sinh dĩ bị cương trung ngộ
Vô sử cương trung ngộ thử sinh
Tự hậu học vi nhu dữ siểm
Phản hiềm nhu siểm học nan thành
Thuật hối
(Cả đời này đã bị sự cương trực và trung quân lừa gạt
Không nên để cho hai đức tính này làm hại đời mình nữa.
Từ rày về sau phải học cách “mềm mại” và xu nịnh.
Chỉ hiềm rằng học hai món này khó mà thành công).
Tác giả đã tấn công vào chính hai lý tưởng cơ bản của một Nho gia: cương trực và trung quân. Dĩ nhiên đây không phải là quan niệm xuyên suốt của Nguyễn Xuân Ôn nhưng cũng như bao nhiêu nho sĩ khác, ông thấy rằng để thành công trong cơ cấu quyền lực thì cần học cách “ứng xử mềm mại” hơn. Nguyễn Trường Tộ cũng viết: “Đạo làm người không lớn gì bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa. Nhưng các sách nho chỉ nói suông trên giấy, không làm chẳng ai phạt, làm chẳng ai thưởng”.[24] Nguyễn Trãi, bậc khai quốc công thần triều Lê, về già đúc kết kinh nghiệm trong hai câu thơ:
Lãm huy nghĩ học minh dương phượng
Viễn hại chung vi tỵ đặc hồng
(Mong muốn làm chim phượng gáy ánh mặt trời
Rút cục làm chim hồng sợ bị hại phải tránh xa cung tên).[25]
Nguyễn Xuân Ôn cũng đã viết những bảng điều trần gửi cho triều đình yêu cầu thực hiện những cuộc cải cách quan trọng trong việc canh tân đất nước nhưng không có dấu hiệu gì hệ thống quyền lực trong triều vua Tự Đức chịu lắng nghe ông. Sự thiếu quan tâm này không hẳn chỉ vì Tự Đức và các cận thần của ông dốt nát hay bảo thủ, mà lí do chính nằm trong những rào cản nhận thức do lối tư duy truyền thống dựng ra. Đứng từ góc độ thuần túy sử liệu, chúng ta không có những chứng cứ thực sự rõ ràng để biết được các động cơ thực sự của triều đình Tự Đức khi không muốn tiến hành những cuộc cải cách ngoài những suy luận dựa trên một vài phát biểu của chính Tự Đức. Thậm chí chúng ta cũng không đọc được những lý do của sự chống đối. Kết hợp những nghiên cứu của các học giả đi trước, chúng tôi cho rằng những nguyên nhân chính của thái độ thiếu tích cực đối với các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ có thể là: 1-Triều đình Tự Đức nghi ngờ thành tâm của Nguyễn Trường Tộ (điều này tương đối là lí do chắc chắn nhất); 2-Rào cản trong nhận thức, những di chứng văn hóa không thể chữa trị cấp thời được; 3-Những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ chưa thực sự chi tiết và cụ thể, cần thêm thời gian thẩm định; 4-Sự sợ hãi thông thường của một số quan lại: họ sợ bị mất quyền lực và chịu sự khiển trách của Tự Đức. Nếu Nguyễn Trường Tộ, một giáo dân không đỗ đại khoa, mà nói đúng hóa ra những ông nghè, ông cống đỗ đạt đàng hoàng là sai hết cả hay sao?
Phan Huy Lê đã cung cấp một ví dụ cụ thể về rào cản nhận thức trong hệ hình tư duy chuẩn thức của Nho Giáo Việt Nam trong trường hợp Phan Huy Chú: “Một trí thức uyên bác như Phan Huy Chú, qua chuyến đi sứ đến Batavia đã tận mắt nhìn thấy những thành tựu công nghiệp của văn minh phương Tây mà chính ông cũng hết sức thán phục, đánh giá là “đáng bậc thánh trí,” nhưng cuối cùng lại trở về với giá trị Chu Khổng và kết luận: “Duy không biết đến lễ giáo điển chương của Chu Khổng nên tuy họ tài khéo trăm thứ, cuối cùng vẫn bị liệt vào hàng Man Di” (Hải trình chí lược).”[26] Đây cũng chính là quan điểm của Tự Đức.
Chúng tôi muốn mượn lời một triết gia, Edgar Morin, để kết thúc bài viết này:
“Xét từ bên ngoài, thì dường như không có gì đơn giản hơn, thô sơ hơn, “ấu trĩ” hơn việc đổi thay những cơ sở xuất phát của một phép suy lý hay một lý thuyết, những quan hệ liên kết, phản kháng, hay đẳng cấp giữa mấy khái niệm ban đầu. Ấy thế nhưng mà chính đó là việc làm khó khăn hơn hết, bởi lẽ cơ cấu của phép suy lý và lý thuyết lại phụ thuộc vào những khái niệm ban đầu ấy và những quan hệ liên kết của chúng […] không có gì khó hơn việc thay đổi các khái niệm nền tảng, những nguyên tắc cơ bản nâng đỡ cả tòa lâu đài trí tuệ. Bởi lẽ thế thì tất nhiên toàn bộ lâu đài, toàn bộ cơ cấu của hệ thống tư duy sẽ bị đảo lộn và có nguy cơ sụp đổ. Đó hết thảy là những hình thức đã được công nhận mà nay đang bị đổ vỡ cấu trúc. Đó hết thảy đều là những điều hiển nhiên và chuẩn mực cơ bản mà nay đang trong cảnh suy tàn. Đó hết thảy là những chân lí thiêng liêng và những điều cấm kị mà nay đang bị báng bổ. Đó là tất cả một thực tiễn mà nay bất thình lình mất đi toàn bộ ý nghĩa. Đó có khi là toàn bộ kỉ cương xã hội đang bị đe dọa. Quả thật là bản thân vũ trụ cũng đến lúc suy sụp. Và khi thế giới đổ sập thì cũng là lúc nền tảng nội tại của tri thức bị vùi sâu trong một hố đen.”[27]
Bản thân Tự Đức và triều đình của ông đang trải qua những giờ phút hấp hối trong hố đen sâu thẳm của thời đại. Sự dịch chuyển hệ chuẩn thức Nho Giáo- tất cả những gì tạo nên nền tảng cho cơ cấu tư duy của giai cấp sĩ phu triều Nguyễn- đang gấp rút chôn vùi những đề kháng cuối cùng. Nguyễn Trường Tộ, cũng như nhiều nhà canh tân khác, hoàn toàn bất lực trong việc hội nhập những luận đề cơ bản của Nho Giáo- trung quân, ái quốc- vào hệ thống cảm nhận trí tuệ của mình. Ông không phải là người duy nhất. Cũng không phải là người cuối cùng.
[1]Việt Nam quốc sử khảo (1908. Bản dịch của Chương Thâu, NXB. Giáo Dục, Hà Nội, 1962, tr.68-69).
[2]Đặng Việt Ngoạn (chủ biên), Đặng Huy Trứ, Con người và tác phẩm, (NXB. Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 2001) tr.374.
[3] Đại Nam chính biên liệt truyện(NXB. Văn Học, Hà Nội, 2004), xem mục “Vũ Duy Thanh.”
[4]Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ (bản in lại, NXB. Văn Học, Hà Nội, 2008), tr.63.
[5]Về thân thế, sự nghiệp, và trước tác của Nguyễn Trường Tộ, đã có nhiều sách vở nghiên cứu đầy đủ nên chúng tôi không muốn chép lại trong bài viết ngắn này. Xin tham khảo Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ- Con người và di thảo(NXB. Thành Phố HCM, 1988), Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Trường Tộ- Thời thế và tư duy cách tân (NXB. Văn Nghệ TP.HCM, 2001).
[6]Chúng tôi dựa trên năm trình luận án Tiến sĩ của Trương Bá Cần, L’action diplomatique de la France en vue de consolider son établissement en Cochinchine (1862-1874), Paris, Faculté des Lettres, 1963. Vũ Lưu Xuân đã dịch sang Việt ngữ, Hoạt động ngoại giao của Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ, 1862-1874(NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2011).
[7] Chúng tôi cho rằng GS. Phan Ngọc đã trả lời các luận điểm của hai tác giả Trần Chung Ngọc và Bùi Kha một cách tương đối thỏa đáng- chúng tôi dùng chữ « tương đối » vì GS. Phan Ngọc không đụng chạm gì đến các chứng cứ phản biện mà Trần Chung Ngọc và Bùi Kha đưa ra trong cuốn sách của họ- trong lời tựa viết cho cuốn Nguyễn Trường Tộ- Thời thế và tư duy cách tân của Hoàng Thanh Đạm (NXB. Văn Học, Hà Nội, 2001), tr.11-12.
[8]Cao Bá Quát toàn tập, tập I, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học (NXB. Văn Học, Hà Nội, 2004 ), tr.386-389.
[9]Trần Đình Hượu, Tuyển tập I (Trần Ngọc Vương tuyển chọn. NXB. Giáo Dục, Hà Nội, 2007), tr. 69.
[10] Chu Thiên, Lê Thánh Tông (1442-1497),tr.173-174 (NXB. Hàn Thuyên, 1943).
[11] Minh Mệnh chính yếu (NXB. Thuận Hóa, Huế, 1994), tập 1, tr.184.
[12] Di thảo số 18. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo(NXB. TP. HCM, 2002).
[13]Nguyễn Q. Thắng, Huỳnh Thúc Kháng: Con người và tác phẩm (NXB. Văn Học, Hà Nội, 2006), tr.282-283.
[14]Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (NXB. Văn Học, Hà Nội, 2003), tr.769. Chúng tôi không theo bản dịch của nhóm biên soạn (Mai Xuân Hải, Hoàng Hồng Cẩm, Phạm Thùy Vinh).
[15] Đinh Khắc Thuân, Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Namqua tài liệu Hán Nôm. NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2009, tr. 250).
[16] Đinh Khắc Thuân, sđd, tr. 259.
[17] Đại Nam Thực Lục, tập 7 (NXB. Giáo Dục, Hà Nội, 2007), tr.997.
[18] Đại Nam Thực Lục, sđd, tr.1012. Trương Bá Cần viết rằng phái bộ sang Pháp ngày 10/1/1867. Xem thêm chi tiết chuyến đi này trong Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ, sđd, tr.278-279.
[19]Đại Nam Thực Lục (mười tập), tập 7, các trang 997, 1012, 1248. NXB. Giáo Dục, Hà Nội, 2007.
[20]Trương Bá Cần viết: “Mặc dù một bộ phận bề tôi âm thầm chống đối, Tự Đức quyết định áp dụng một phần chương trình canh tân do Nguyễn Trường Tộ cổ súy.” Xem trọn chương X trong cuốn Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại NamKỳ (1862-1874), trang 253, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2011. Nguyên tác Pháp Văn, bản dịch Vũ Lưu Xuân. Yoshiharu Tsuboi, một chuyên gia Nhật Bản về lịch sử Việt Namgiai đoạn này, nhận xét: “Vua Tự Đức đã không may mắn. Và có lẽ, bất cứ một vị vua nào khác, nếu phải đương đầu với những áp lực hung hãn từ bên ngoài như vậy, cũng không giữ nổi nền độc lập cho xứ sở.” Nước Việt Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885, trang 376. (bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng, và Tăng Văn Hỷ. NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2011). Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia Trung Quốc về Việt Nam, cũng hạ bút: “Trong quan hệ quốc tế phức tạp của thế kỉ XIX, bất kì một lựa chọn nào của Việt Nam cũng đều đưa đến sự đối diện với sự xâm nhập của thực dân,” Những khó khăn về mặt ngoại giao dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn (1868-1880), bản dịch Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử Học, Hà Nội, tr.16.
[21]Bài viết “Nguyễn Trường Tộ, người Công Giáo yêu nước và triết gia lớn ở Việt Nam của thế kỉ 19.” Bài đăng trên mạng.
[22]Bài viết “Đặng Huy Trứ-một trong những nhà cải cách đầu tiên,” in trong Đặng Huy Trứ- Tư tưởng và nhân cách, do Đặng Việt Ngoạn chủ biên, tr. 118).
[23]Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa(NXB. Văn Nghệ, TP.HCM, 2001), tr.86.
[24]Di thảo 27, tr.254. Nói như thế, Nguyễn Trường Tộ vẫn thừa nhận giá trị của Nho Giáo là đúng, nhưng phê phán rằng không thể thực hiện được, một điều khá kì lạ đứng từ góc độ luân lí, vì đạo đức không đòi hỏi chủ thể khi thực hiện các hành vi đạo đức phát xuất từ động lực ham phần thưởng hay sợ hãi sự trừng phạt.
[25]Họa Hương tiên sinh vận. Ức Trai Tập. Chúng tôi theo bản Phúc Khê được in lại trong Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 70 (NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001).
[26]Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận (NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2012), tr.1010.
[27] Edgar Morin, Phương pháp, tập 4. Tư tưởng: nơi cư trú, tập tính, tổ chức của tư tưởng (NXB. Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2008, bản dịch của Chu Tiến Ánh), tr.486-487.
"Tôi đi từ nơi hùng vĩ này với một trái tim trung thành và vui tươi, một tinh thần lạc quan và một niềm tin tuyệt đối rằng đối với đất nước chúng ta và đối với trẻ em của chúng ta, ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT VẪN CHƯA ĐẾN." (Tổng thống Donald J. Trump).