Tiếng hát lên trời
Có lần đến chơi nhà một người bạn nhạc sĩ. Anh là một khuôn mặt nghệ sĩ sáng ngời của cộng đồng vì biết chơi piano, đệm guitar, sáng tác nhạc và hát. Lúc chúng tôi đến thì anh đang ngồi xem tivi. Tôi mãi lo tay bắt mặt mừng, thăm hỏi cô vợ, nên cũng không để ý là anh đang xem gì ? Có lẽ là một chương trình ca nhạc. Bất chợt anh quay lại hỏi tôi, chị có nghe cô A hát bài …abc… bao giờ chưa ? Để mở chị coi thử nhe, hay lắm ! Tôi nhìn cậu và hỏi lại, bộ K hay nghe ca sĩ bên VN lắm hả ? Anh bạn nhìn tôi, ồ vậy chị không thích nghe ca sĩ VN hát sao ? Câu chuyện về âm nhạc của chúng tôi ngừng lúc đó, chuyển qua đề tài khác. Hình như anh bạn cũng tắt tivi.
Những câu trao đổi của tôi và người bạn hôm đó làm tôi lấn cấn mãi, dù tôi biết mình không có lỗi. Nếu có, đó là thứ lỗi lầm không biết gọi là gì ? Cực đoan, khắt khe hay quá khích ? Điều nào cũng oan cho tôi.
Vấn đề không phải là thích hay không thích, nhưng thật tình tôi ít theo dõi sinh hoạt sân khấu trong nước. Vì tôi ra khỏi Việt Nam mà chỉ ôm khư khư cái quá khứ, ôm một nửa đất nước của mình. Tôi ôm theo những tiếng hát mà tôi đã yêu mê, vì từ những tiếng hát đó cho tôi thấy lại một quê hương cũ, kỷ niệm và tuổi trẻ đã mất.
Những bản nhạc ngày xưa được hát lại bây giờ, với những đôi tai nhạc sĩ chuyên nghiệp thì họ hết lời khen ngợi. Bởi theo tiến trình văn minh của máy móc hiện đại, nghệ thuật cũng được bay cao, thăng hoa, mới mẻ. Vậy mà tôi luôn đi tìm cái xưa. Với tôi, chữ « xưa » đã là một điều gần gũi như hơi thở mỗi ngày còn nương náu trong tôi, ở đời sống này. Tôi lên internet tìm những bản nhạc thu thanh trước năm 1975, tải về cái dictaphone nhỏ xíu như chiếc hộp quẹt, để dành cho những đêm khó ngủ, những sáng thức sớm. Bao nhiêu giọng ca « vàng » của thời hoàng kim thuở đó, nghe tới nghe lui, chọn lựa. Cuối cùng, nhìn lại chỉ rải rác một vài giọng ca khác. Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu đã chiếm gần hết ngăn lưu trữ trong chiếc hộp quẹt gối đầu giường của tôi.
Ba giọng ca là ba cung bậc. Thái Thanh cao vút, những câu chữ tròn trịa như nghệ thuật luyến láy của cô, chuyển tải sâu sắc cái hồn của bản nhạc. Khánh Ly trầm ấm miên man, có chút liêu trai đê mê bàng bạc trong âm giọng. Riêng Lệ Thu, ấy là những cung trầm, nghẹn, dù âm điệu của bản nhạc buộc người ca sĩ phải chuyển giọng lên cao như « xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say » (1)… Cao mà vẫn chùng, chùng trùng một nỗi sâu lắng, rời rã. Tiếng hát như từ một đáy vực cất lên. Khi ấm áp như bếp lửa ngày đông, lúc nồng như men rượu cất, ủ đủ ngày. Đó là một nhận xét đầy cảm tính của một người chẳng biết hát hò, không một tí căn bản nào về nhạc lý. Và sự suy nghĩ của cá nhân tôi, nói theo người Pháp : C’est irremplaçable (2).
Trong đời, không phải tôi chỉ khóc khi người thân yêu từ giã cõi đời. Tôi đã từng nhỏ lệ cho những người không hề quen biết như Việt Dzũng. Một người chỉ gặp, trò chuyện được dăm ba phút như anh nhà văn Cao Xuân Huy. Những giọt nước mắt cho một người lính, một nghệ sĩ đã xã thân vì quê hương và đại cuộc.
Khi hay tin danh ca Thái Thanh ra đi, tôi cũng bâng khuâng buồn. Có lẽ người ca sĩ ấy đã lớn tuổi, những ngày cuối đời trí nhớ của bà đã lẫn lộn, không còn biết mình là ai. Buồn, chỉ là buồn cho kiếp nhân sinh. Còn với Lệ Thu, tôi bàng hoàng nghe tin chị mất, dù biết chị đã nằm bệnh viện, đang từng ngày tranh dành hơi thở với tử thần Covid. Tôi không khóc, nhưng nỗi buồn này làm tôi kinh ngạc với chính mình.
Xưa, có một lần cùng với cô bạn lên nhà hàng Ritz uống cà phê với cố ký giả Trường Kỳ. Buổi sáng, phòng trà im lìm vắng vẻ. Bất ngờ một người đàn bà trẻ không biết từ đâu bước ra. Người phụ nữ đơn giản với chiếc quần Tây đen, áo sơ mi hoa, gương mặt không một chút son phấn. Cô tiến đến bàn, nghiêng đầu chào chúng tôi. Cách chào điệu đàng nhưng mang theo một sự vui vẻ, cởi mở, không chút nào kịch tính. Thực tình tôi không biết người phụ nữ này là ai ? Cho đến khi cô đi khuất, ông vua nhạc trẻ mới cho chúng tôi biết đó là ca sĩ Lệ Thu. Theo cách nói của Trường Kỳ, thì tôi hiểu cô vừa rời khỏi một cuộc chơi, bài bạc với bạn bè trong gian phòng nào đó phía sau sân khấu. Tôi tiếc rẻ khi biết đó là thần tượng của mình. Nhưng thực ra, nếu cô có nán lại trò chuyện với Trường Kỳ, đứa con gái mới lớn, nhút nhát như tôi thuở đó chắc cũng chẳng dám hé môi nói một lời nào. Không nhớ hôm đó tôi đã nói gì về thần tượng của mình mà Trường Kỳ đã tặng tôi một tấm ảnh chụp khi cô đang hát. Tấm hình trong xấp hình tài liệu viết báo của anh.
Đó là những ngày tháng non nớt, ngây thơ. Sau này, qua những buổi văn nghệ Lệ Thu trình diễn ở Paris, gặp chị tôi cũng chẳng nói gì. Gần như là người nhà của ban nhạc, không có gì khó khăn, nếu tôi muốn trò chuyện riêng với chị. Nhưng tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm những khán giả bao quanh chị xin chụp hình chung. Trừ những thanh niên trẻ, lớp khán giả thế hệ tôi, tôi nhìn thấy những nét hạnh phúc trên gương mặt họ. Hạnh phúc vì tìm lại được những vàng son một thời đã mất.
Chẳng có gì sai nếu nói rằng tuổi trẻ của chúng tôi được ấp ủ, nuôi dưỡng mộng mơ từ tiếng hát đó, dù với bất cứ một ca khúc nào, vui hay buồn. Tiếng hát đã được đánh giá là một thứ « vàng ròng », một vì sao lóng lánh trên bầu trời nghệ thuật của miền Nam, của Sài Gòn hoa lệ, dù chiến tranh tàn khốc đang diễn ra nhiều nơi.
Cả gần nửa thế kỷ, Tiếng hát vẫn còn vỗ về tôi từng đêm khuya, có khi làm tôi mất ngủ vì nhớ nhà. Nhớ những quán cà phê, những đêm mưa trong căn gác nhỏ học trò. Nhớ đường phố cây xanh, sân trường ngập nắng, Giáo đường đìu hiu chiều Chủ Nhật. Rồi hình dung cả cái nón sắt của người lính bỏ quên giữa bùn lầy, lau sậy. Nắng gió cao nguyên, quân trường, chiến trường mịt mù khói súng…Tất cả là tâm là tưởng qua những bài hát. Nhưng không phải chỉ từng ấy mớ kỷ niệm, quá khứ của chính mình và không thuộc về mình. Còn nhiều, nhiều lắm. Bao nhiêu hình ảnh, không gian, thời gian, nơi chốn, khí hậu của quê nhà. Tôi đã tìm lại tất cả trong vô số bài hát, trong tiếng hát của chị.
Lời ca hay tiếng hát ? Với tôi, chính là tiếng hát. Tiếng hát đẹp, sang của một ca sĩ quý phái, thanh lịch. Tiếng hát đã thăng hoa những lời ca, lột tả trọn vẹn cảm xúc, tình cảm tâm tư của người nhạc sĩ. Những bài hát chị cất lên, thật là một hạnh phúc diễm tuyệt cho người nhạc sĩ đã làm ra tác phẩm.
Người mang tiếng hát ấy giờ đã thực sự bay cao, không phải chỉ bay trên những hàng phố bâng khuâng như chị đã hát. Tiếng hát bay lên trời, bầu trời thênh thang đã mất dấu chị. Nhưng muôn thuở, vĩnh viễn tất cả vẫn còn đó. Tiếng hát tôi nghe, và gìn giữ như một di sản tinh thần. Nghe từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ và sẽ còn nghe mãi cho đến hết cuộc đời còn lại.
Chẳng bao giờ tôi nghĩ là có ngày tôi ngồi viết bài tưởng niệm một người ca sĩ, Lệ Thu vừa mới ra đi. Tôi cũng không ngờ là tôi buồn đến thế ! Buồn đến phải viết ra, phải nói một điều gì.
1- Tình khúc thứ nhất ( Nguyễn Đình Toàn- Vũ Thành An)
2- Không thể thay thế
* Chân dung ca sĩ Lệ Thu qua nét vẽ của hoạ sĩ Đinh Trường Chinh.
Đặng Mai Lan
( Paris 17/01/2021)
TRÒ HÈN CỦA BẮC KINH.
Không lâu sau khi ông Joe Biden nhậm chức, Trung Quốc thông báo trừng phạt 28 cá nhân Mỹ, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn thương mại Peter Navarro, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft.
Những người này bị Bắc Kinh cáo buộc có các hành động "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc". Họ và gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Hong Kong và Macau.
Bắc Kinh chỉ dám đưa ra đòn trả thù này sau khi ông Donald Trump đã rời tòa Bạch Ốc. Nghe nó hèn hạ làm sao ấy, nhưng nó phản ánh đúng bản chất của chế độ độc tài toàn trị này.
https://tuoitre.vn/qua-mung-ong-biden-bac-kinh-trung-phat-hang-chuc-quan-chuc-thoi-trump-20210121052545275.htm
CHỨC NĂNG TAG (NHẮC TÊN) TRONG LIVENGUIDE
Bạn có thể tag một người trong một comment hay bài viết của mình. Cách làm như sau.
1. Viết một phần tên người đó sau ký hiệu @. Ví dụ như trong hình 1 là chữ Truong. Hệ thống sẽ đề nghị danh sách bạn của bạn có tên có chữ Truong. Bạn chọn người bạn muốn tag, ví dụ như Lê Vĩnh Trương
2. Sau khi chọn hệ thống sẽ hiện như trong hình số 2. Đây là điều bình thường.
3. Sau khi bấm Enter, comment sẽ hiện như trong hình 3. Người được bạn tag (trong trường hợp này là Hoàng Nhất Phương và Lê Vĩnh Trương) sẽ nhận được thông báo/mail báo có người tag họ.
Link của ví dụ tag trên ở đây: https://www.livenguide.com/status/19779-le-trung-tinh.html#status-19779
Các bạn cứ thử tất cả các chức năng, bấm tất cả các nút. Không có nút gì có thể làm bạn bị gì cả. Đó là điều chắc chắn trên Livenguide.
BỮA ĂN CUỐI CÙNG
Một sinh viên ra trường thất nghiệp đã lâu, không tìm được việc làm.
Sáng hôm đó, anh uể oải thức dậy, lục mãi trong ví chỉ còn 10 dollars cuối cùng. Anh rửa mặt thay đồ rồi lang thang trên phố, hy vọng tìm được bất cứ công việc gì có thể.
Nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Đến khi thấy đói, anh ghé vào một quán ăn nhanh để mua một phần ăn cuối cùng và ly soda.
Anh vừa lấy được phần ăn nóng hổi ngồi xuống bàn, chưa kịp cắn một miếng thì trước mặt anh bỗng xuất hiện một ông lão ăn xin dẫn theo 2 đứa cháu. Trông họ thật tồi tàn dơ bẩn và đói lả. Ông lão van xin anh vì ông cháu họ đã nhịn ăn gần cả tuần rồi. Những đứa trẻ thèm thuồng nhìn cái bánh hamburger anh đang cầm trong tay .
Chàng thanh niên nhìn lại mẫu bánh, anh cũng đói nhưng anh biết họ còn đói hơn anh. Anh cầm cả khay thức ăn đưa hết cho ông lão. Ông lão ăn xin cảm ơn rối rít, rồi lục trong túi xách rách nát đưa cho anh một đồng xu cổ và nói:
"Cảm ơn lòng tốt của anh, xin hãy nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi".
Anh chẳng biết làm được cái gì với đồng tiền cổ này, nhưng cũng nhận lấy nhét vào túi cho ông lão yên tâm.
Chàng thanh niên thất thểu bước ra khỏi quán. Giờ thì anh thật sự đã chẳng còn gì nữa. Không tiền, không việc, không hy vọng cùng cái đói đang gậm nhấm bao tử .. Anh đi xuống bờ sông, tìm một chỗ mát dưới gầm cầu, và định nằm đó cho đến khi được lên thiên đàng.
Khi loay hoay dọn dẹp xong chỗ nằm, chợt thấy một mẫu báo rách, anh cầm nó lên đọc. Trên báo có mẩu tin: một trung tâm mua bán đồ cổ rao thu mua tất cả những đồng tiền cổ với giá cao.
Anh moi trong túi ra đồng tiền khi nãy ông lão ăn xin đưa cho anh, ngắm nghía một hồi hy vọng biết đâu nó cũng giúp anh mua được vài thứ để nhét vào bụng. Nghĩ vậy nên anh bò dậy và cầm mẩu báo đi tìm địa chỉ.
Khi anh đến nơi và chìa tay đưa ra đồng tiền, một chuyên viên trong cửa hàng xem xong gọi ông chủ đến. Ông chủ đem ra một cuốn sách cũ to tướng, rồi cùng anh và người chuyên viên lục tìm mẫu đồng tiền anh đang có. Sau khi tra cứu niên giám kiểm tra mẫu đồng tiền đó, cả 3 người té ngửa khi biết nó có giá .. 3 triệu dollars.
Anh mất cả ngày hôm đó để hoàn tất thủ tục mua bán, và sáng hôm sau anh bước ra khỏi nhà với tư cách là người chủ tài khoản ngân hàng với 3 triệu đồng. Anh vui mừng chạy ngay đến quán ăn mà anh đã gặp 3 ông cháu ăn xin lần cuối.
Nhưng khi hỏi toàn bộ nhân viên và ông chủ cửa tiệm, không ai biết tung tích của ông lão ăn xin. Chỉ có một nhân viên đưa ra một mảnh giấy, nói là ông lão có viết để lại cho anh.
Anh mừng rỡ mở ra xem, hy vọng đây là tin nhắn giúp anh tìm được họ. Nhưng trên mảnh giấy chỉ vỏn vẹn có vài hàng:
"Cảm ơn lòng tốt của anh bạn trẻ. Anh đã cho chúng tôi tất cả những gì anh có khi anh đã không còn gì nữa. Vậy nên anh xứng đáng để nhận lại phần thưởng từ Chủ Nhân Của Thiên Đường" ...
Sưu tầm
Tên gọi Biển Đông trong thư tịch cổ Trung Hoa
PHẠM HOÀNG QUÂN 18/1/2021 23:00 GMT+7
TTCT - Nhiều thư tịch cổ Trung Quốc đã sử dụng từ “Đông Hải” để chỉ vùng biển ở phía đông Việt Nam, tức danh xưng “Biển Đông” hiện giờ không có gì mới mẻ - với Việt Nam là đương nhiên, nhưng ngay cả với Trung Quốc nữa.
秋月照西河,
沙石化成金玉聚,
春星射東海,
風濤亂湧寳珠來
(Tạm dịch: Thu nguyệt chiếu Tây Hà, sa thạch hóa thành kim ngọc tụ, xuân tinh xạ Đông Hải, phong đào loạn dũng bửu châu lai)
Câu văn trên, của Thích Đại Sán (Hải ngoại kỷ sự, quyển 1) có thể hiểu là “Trăng thu rạng rỡ Tây Hà [sông Hương], vàng ngọc tụ hội từ cát đá chuyển mình, sao xuân lấp lánh Đông Hải, châu báu theo về trong sóng gió ầm ào”.
Vào đầu năm 1695, tăng nhân Trung Hoa Thích Đại Sán từ Quảng Đông đến Huế đã viết như vậy trong bài Khải dâng lên Chúa Nguyễn nhân mới đến đất Nam Hà, ca ngợi sự giàu có nơi thủ phủ nhà Chúa cũng như tiềm lực của vùng biển nhiều phong ba bão táp.
Tác giả đã dùng từ “Đông Hải” để chỉ Biển Đông và từ “Tây Hà” để chỉ con sông phía tây kinh thành Huế. Người Trung Hoa gọi Đông Hải nhằm chỉ vùng biển phía đông Đại Việt không phải bắt đầu từ Thích Đại Sán, mà từ nhiều quan chức ngoại giao Trung Hoa, với những ghi chép về hải ngoại hồi triều Minh, tức trước Hải ngoại kỷ sự hơn trăm năm.
Trong thư tịch cổ Trung Hoa, tên Đông Hải vốn để chỉ vùng biển phía đông Sơn Đông - Giang Tô, nay gọi là Hoàng Hải; sau thời Minh, chỉ vùng biển từ bắc cửa sông Trường Giang đến đảo Nam Áo (Quảng Đông), cũng có khi với nghĩa rộng hơn là chỉ toàn vùng biển phía đông Trung Hoa.
Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao Trung Hoa thời Minh còn dùng từ Đông Hải cho một không gian địa lý khác, tức gọi vùng biển phía đông Đại Việt. Điều này có thể thấy trong Thù vực chu tư lục (1574), Tứ di quảng ký (1598); và về sau là một vài sách thuộc loại bách khoa thư, chuyên thư như Tam tài đồ hội (1607), Võ bị chí (1619), An Nam chí (thời Minh).
Dùng tên Đông Hải để chỉ Biển Đông (Việt Nam) sớm có lẽ do người ở Hành nhân ty (tức bộ ngoại giao) là Hành nhân Cấp sự trung Nghiêm Tòng Giản trong bộ sách Thù vực chu tư lục (Tập lục tư liệu các nước khác).
Sách này, trong quyển 6 chép về nước An Nam và quyển 7 chép về nước Chiêm Thành đã viết: “Biên cảnh [An Nam], phía đông 320 dặm đến Đông Hải”, và “biên cảnh [Chiêm Thành], phía đông đến Đông Hải”.
Thông tin về tên gọi Đông Hải trong Thù vực chu tư lục vài chục năm sau còn được Thận Mậu Thưởng lặp lại trong phần Hải quốc quảng ký (Ghi chép rộng về các nước trên biển) của bộ Tứ di quảng ký (Chép rộng về người di bốn phương), tác giả là quan chức ở Tứ di quán (cơ quan phiên dịch và nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cùng một số nước hải ngoại). Trong phần viết về cương giới An Nam, Hải quốc quảng ký xác định phía đông là biển Đông Hải; còn ở phần viết về cương giới Chiêm Thành, xác định phía đông Chiêm Thành là Đông Hải và phía bắc là Giao Chỉ Đại Hải.
Ngoài hai sách trên, còn thấy bộ bách khoa thư về quân sự Võ bị chí do Mao Nguyên Nghi biên soạn, liên quan đến vấn đề phòng thủ trên biển mà sách này khảo sát khá nhiều về các nước xung quanh, trong phần Tứ di, quyển 236 viết: “Chân Lạp vốn là thuộc quốc của Phù Nam, còn có tên Chiêm Lạp, ở trong Đông Hải”.
Hay như bộ loại thư (bách khoa môn loại) Tam tài đồ hội của Vương Kỳ, loại Địa lý quyển 13, mục Nam di viết: “Chiêm Thành bên Đông Hải, tây là Vân Nam, nam là Chân Lạp, bắc là An Nam, đông bắc là Quảng Đông”.
Cũng phải kể đến sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng, tuy thành sách thời Thanh nhưng bối cảnh thuộc thời Minh, là loại sách địa dư chí mang tính kế thừa, trong quyển 2, mục Cảnh vật có kể đến núi Yên Tử, mô tả: “Núi ở châu Đông Triều, cao ngất tầng không, chạy xa đến tận Đông Hải, ít dấu chân người”.
Gọi tên Đông Hải sớm hơn các quan chức ngoại giao nhà Minh độ trăm năm có lẽ là văn thần Đại Việt Nguyễn Trãi. Trong Lời bố cáo dẹp xong giặc Ngô [Bình Ngô đại cáo, nếu gọi đúng sử kiện là Bình Minh đại cáo, 1427], Nguyễn Trãi viết: “Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô” (Dốc cạn nước Đông Hải không đủ để rửa dơ).
Trong việc định danh, các sử liệu Trung Hoa nêu trên đều viết rất rõ “đông chí Đông Hải” (đông đến Đông Hải), tức coi đó như địa danh, khác với Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí viết “đông để hải” (đông đến biển), còn trong Hoàng Việt địa dư chí (cả hai bản in 1833 và 1907) thì viết “đông lâm đại hải” (đông đến biển lớn).
Cũng nói luôn về cách dẫn tư liệu nguồn không đúng đối với trường hợp Hoàng Việt địa dư chí trong mục từ “Biển Đông” trên Wikipedia.
Khi nói đến Đông Hải như một mục từ, thấy cũng cần bàn thêm vài điều trong lĩnh vực nghiên cứu hải ngoại của một số học giả Trung Hoa hiện nay. Trong Cổ đại Nam Hải địa danh hối thích (Thu thập rộng và chú giải địa danh cổ đại vùng Nam Hải) xuất bản năm 1986 (tái bản 2000), bộ sách được cơ cấu theo hình thức từ điển địa danh, đối tượng thu thập gồm tất cả địa danh hải ngoại từng được chép trong thư tịch cổ.
Đây là công trình có ảnh hưởng đáng kể với học giới trong và ngoài Trung Hoa trong việc giải mã ghi chép cổ về khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Tuy nhiên, các tác giả sách trên hình như đã né tránh không nhập từ “Đông Hải” với nghĩa rất rõ là chỉ vùng biển phía đông Giao Chỉ và Chiêm Thành (tức Biển Đông Việt Nam ngày nay).
Mặc dù tên “Đông Hải” chỉ xuất hiện trong một số sách thời Minh, nhưng địa danh này thật sự phù hợp với tiêu chí “hối thích” (thu thập rộng và chú giải), nên đúng ra “Đông Hải” phải được lập mục từ (tương tự như các mục từ Đông Nam Hải, Tây Nam Hải, Đông Nam Dương, Tây Nam Dương, Nam Dương…).
Thiếu sót này khó thể nói do sơ suất trong thu thập tư liệu nguồn, bởi trong sách này đã dùng đủ những bộ sách Thù vực chu tư lục, Tứ di quảng ký, Tam tài đồ hội, Võ bị chí, Hải ngoại kỷ sự, An Nam chí kể trên để trích lục và trưng dẫn gần như toàn bộ các địa danh ngoài Trung Hoa có ghi nhận.
Căn cứ trên nhiều yếu tố, có thể thấy rằng các tác giả Cổ đại Nam Hải địa danh hối thích không phải do sơ suất mà đã cố tình né tránh không nhập từ “Đông Hải” với ý chỉ Biển Đông Việt Nam.
Người Việt từng gọi Biển Đông từ cửa miệng lâu đời, nhưng đối với những trường hợp dùng tên Đông Hải để ghi chép trong sử sách Trung Hoa có vẻ khá đặc biệt, vì chúng thể hiện sự đúng đắn trong cách gọi phù hợp với tiêu chí lấy quốc gia tiếp giáp vùng biển làm chuẩn, cũng là cách gọi theo đúng cách mà chủ thể đã gọi.■
(Trích từ bản thảo Địa danh trên Biển Đông trong thư tịch cổ Trung Hoa)
Bản đồ cổ của Bồ Đào Nha về khu vực Đông Nam Á. Ảnh: architectureofbuddhism.com
Tên biển Hoa Nam, hay Nam Hải (South China Sea) xuất hiện khá muộn, do giới hàng hải phương Tây muốn tìm đường đi từ châu Âu và Nam Á sang Trung Quốc đặt. Tới thế kỷ 16, các thủy thủ Bồ Đào Nha gọi Biển Đông là biển Trung Hoa (Mare da China); rồi sau đó để phân biệt với các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc, mới gọi nó là biển Hoa Nam.
Trong thời Đông Hán (22 - 220), giới cai trị Trung Quốc gọi Biển Đông là Trướng Hải (biển dâng cao) hoặc Phí Hải (biển động), cũng là những tên gọi phổ biến thời Nam - Bắc triều (386 - 589). Tên Nam Hải chỉ thực sự trở nên phổ thông từ thời Thanh (1639 - 1912), theo Hoa Lâm Phủ, Tráp đồ bản Trung Quốc địa danh sử thoại (Tề Lỗ thư xã, 2006).
Ở Đông Nam Á, Biển Đông từng được gọi là biển Champa, theo tên vương quốc hàng hải Champa từng rất phát triển ở vùng Trung bộ Việt Nam cho tới thế kỷ 16. Trong Thế chiến II, phần lớn Biển Đông do Nhật Bản kiểm soát sau khi Đế quốc Nhật chiếm được các lãnh thổ Đông Nam Á xung quanh vào năm 1941.
Nhật Bản gọi Biển Đông là Minami Shina Kai (Nam Chi Na Hải) cho tới năm 2004, khi Bộ Ngoại giao và các cơ quan Nhật Bản khác chuyển sang gọi vùng biển này là Nam Hải. Philippines gọi biển này là biển Tây Philippines, quyết định được chính thức hóa bởi sắc lệnh hành chính số 29 tháng 9-2012, ban hành dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III.
Tháng 7-2017, để xác lập chủ quyền, Indonesia đặt tên cho vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế phía bắc của nước này (tức phía nam Biển Đông) là biển Bắc Natuna, nằm ở phía bắc quần đảo Natuna. Indonesia cũng gọi vùng biển nằm giữa quần đảo Natuna và các quần đảo Lingga và Tambelan là biển Natuna.
https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/ten-goi-bien-dong-trong-thu-tich-co-trung-hoa-1574896.html
Tạm biệt Tổng thống Donald Trump!
Có lẽ lời bình luận về chính trị Mỹ của Lý Quang Diệu khá chính xác về trường hợp Donald Trump.
“ Khi bạn có một chế độ dân chủ phổ thông, để giành được phiếu bầu thì bạn phải cho đi nhiều hơn nữa. Và để đánh bại đổi thủ của mình trong cuộc bầu cử tiếp theo, bạn phải hứ cho đi nhiều hơn nữa. Cho nên đây chính là một quá trình đấu giá không bao giờ chấm dứt – còn chi phí, các khoản nợ nần sẽ do thế hệ sau trang trải.
Các vị Tổng thống không được tái đắc cử nếu họ đưa cho người dân của mình một liều thuốc đắng. Cho nên, có xu hướng trì hoãn, lần lữa các chính sách không được ủng hộ để giành chiến thắng trong bầu cử. Cứ thế, các vấn đề như thâm hụt ngân sách, nợ nần và tỉ lệ thất nghiệp cao được đẩy từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo.
… Nước Mỹ phải có những nhà lãnh đạo sẵn sàng lãnh đạo và biết điều gì là tốt cho nước Mỹ để thực hiện, cho dù họ có bị thất cử…”
“Lịch sử của 1 dân tộc không phải được quyết định vào kết quả thắng, thua ở một hay hai cuộc bầu cử. Đó là một quá trình lâu dài và liên tục, không lệ thuộc vào con người và nhân cách, mà lệ thuộc vào những xu hướng, lực lượng chính trị, xã hội và dân tộc vận hành trong một hoàn cảnh nhất định.” – Lý Quang Diệu
Thât bại của ông trong cuộc bầu cử này thể hiện xu hướng toàn cầu hóa, chuyển dịch sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận, hàng giá rẻ từ thị trường TQ vẫn còn rất mạnh. Nhưng với số lượng cử tri ủng hộ ông đông đảo bất chấp dịch bệnh và truyền thông thiên lệch ở Mỹ thì ông Trump, chủ thuyết của ông không phải là hiện tượng nhất thời, nó sẽ còn phát triển và tạo nhiều sự thay đổi trong tương lai. Khi mà cả thế giới xem toàn cầu hóa là chân lý khách quan, làm ăn với TQ là chuyện hiển nhiên bất chấp những đòi hỏi nhượng bộ, dọa nạt ngày càng tăng từ TQ thì ông Trump đã chỉ ra một con đường khác, một cách tiếp cận khác. Ở khía cạnh này ông như là một người tiên phong, một người đặt nền cho sự thay đổi dù rằng ông gần như cô độc trong bộ máy chính trị Mỹ ở suốt nhiệm kỳ của ông.
Xét trên chiều dài lịch sử, những người đi tiên phong thường là những người dũng cảm và có trái tim nhiệt thành. Không may và cũng đáng buồn thay, họ lại thường là những người hay bị thiệt thòi và chịu nhiều hy sinh theo nghĩa đen và bóng.
Ông có lẽ là nguyên thủ quốc gia khác biệt và tạo cảm xúc mạnh mẽ nhất cho mọi người trong thế kỷ 21. Thế giới sẽ còn nhắc tên ông trong một thời gian dài.
Tạm biệt ông Tổng thống Trump - Một nhà lãnh đạo thực thụ!! Cảm ơn những gì ông đã mang lại cho thế giới!!!
V.C.
21/01/2021